Mục Lục
Nguyên nhân gây nám da ở tuổi dậy thì? Bạn đã biết hay chưa? Tuổi dậy thì là một giai đoạn nhiều xáo động, được xác định bởi giai đoạn chuyển tiếp trong quá trình trưởng thành về thể chất và phát triển tâm lý xã hội. Theo đó, làn da cũng có nhiều thay đổi, bên cạnh sự xuất hiện của mụn trứng cá là các vết nám da, tàn nhang đầu tiên. Như vậy, biết được các nguyên nhân gây ra nám da ở tuổi dậy thì và tích cực phòng tránh sẽ giúp cho các bạn thiếu niên trưởng thành một cách xinh đẹp rạng rỡ.
1. Những thay đổi về làn da trong tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là thời điểm cơ thể trưởng thành từ một đứa trẻ thành người lớn. Giai đoạn này bắt đầu ở độ tuổi trung bình từ 9 – 10 và những thay đổi thể chất liên quan có thể bắt đầu xuất hiện trong những năm tuổi tiền thiếu niên.
Từ những thay đổi trong các tế bào da trên da đầu đến các tuyến mồ hôi ở bàn chân, có rất nhiều điều diễn ra về thể chất ở tuổi dậy thì. Các hormone được tạo ra trong giai đoạn phát triển này gây ra nhiều thay đổi, cả về thể chất và cảm xúc. Trong đó, mụn trứng cá là một tình trạng da rất phổ biến gây ra các loại mụn khác nhau. Nhiều thanh thiếu niên bị mụn trứng cá do sự thay đổi nội tiết tố xảy ra với tuổi dậy thì, khiến mụn trứng cá xuất hiện ở lưng, ngực trên, cổ, vai và phổ biến nhất là mặt.
Những khu vực này dễ bị mụn hơn vì chúng có lỗ chân lông chứa các tuyến dầu tạo ra bã nhờn, một loại dầu có vai trò dưỡng ẩm cho da. Khi đến tuổi dậy thì, các hormone kích thích các tuyến này tạo ra nhiều bã nhờn hơn và chúng thường hoạt động quá mức và tạo ra quá nhiều bã nhờn, dẫn đến tắc lỗ chân lông với dầu thừa, tế bào da chết và vi khuẩn. Việc điều trị thành công mụn trứng cá phụ thuộc vào loại mụn của một cá nhân và chế độ chăm sóc da phải được thực hiện để đạt được kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, với các thay đổi của nội tiết tố, làn da của trẻ khi vào tuổi dậy thì cũng bắt đầu xuất hiện các đốm tăng sắc tố, với biểu hiện của các tàn nhang và vết nám da. Hơn nữa, đây cũng có thể là hệ quả của phản ứng viêm mạn tính sau các đợt viêm cấp tính do mụn trứng cá gây ra.
2. Các nguyên nhân gây nám da ở tuổi dậy thì
Nám da, tàn nhang là các biểu hiện của chứng tăng sắc tố da. Tình trạng này có bản chất là do sự gia tăng sắc tố melanin, vốn là sắc tố tự nhiên mang lại màu sắc cho da, tóc và mắt, quy định tùy vào chủng tộc, gen di truyền cũng như chịu sự tác động của các yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh trong quá trình sống của từng cá nhân. Theo đó, một số yếu tố có thể kích hoạt sự gia tăng sản xuất melanin chính là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ảnh hưởng của nội tiết tố, tuổi tác và chấn thương hoặc viêm da.
Mặc dù nám da, tàn nhang có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất kỳ khoảng thời gian nào trong cuộc đời, tình trạng này thường khởi đầu vào cột mốc dậy thì hơn là tuổi ấu thơ trước đó với các nguyên nhân gây ra nám da ở tuổi dậy thì đặc trưng trong giai đoạn này như sau:
2.1. Thay đổi nội tiết tố
Ảnh hưởng của nội tiết tố là nguyên nhân gây ra nám, tàn nhang chính hay gây ra một loại chứng tăng sắc tố nói chung. Trong đó, tuổi dậy thì đánh dấu bằng sự tăng vọt của nội tiết tố của cơ quan sinh dục là estrogen, progesterone và testosterone. So với các bé trai, trẻ em gái khi lớn lên sẽ bị nám da hay tàn nhang nhiều hơn là do trong máu có các hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone, có tính nhạy cao khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ đó kích hoạt các phản ứng làm sản xuất quá mức melanin.
Bên cạnh đó, tăng sắc tố da cũng có thể là tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị bằng hormone, nhất là khi chỉ định sử dụng trong giai đoạn này cần để kiểm soát tình trạng mụn trứng cá kháng trị.
2.2. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Ánh nắng mặt trời kích hoạt sản xuất melanin và là nguyên nhân gây ra nám số một hay chứng tăng sắc tố da nói chung. Vai trò của melanin hoạt động như kem chống nắng tự nhiên của da bằng cách bảo vệ da khỏi các tia UV có hại. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều có thể làm gián đoạn quá trình này, dẫn đến tăng sắc tố. Khi các đốm đen là tàn nhang, nám da đã phát triển trên da, việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này, khiến các đốm tăng sắc tố thậm chí còn sẫm màu hơn.
Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, nhu cầu vận động, tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời nhiều hơn, nguy cơ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng tăng lên. Trong khi đó, vì trẻ chưa có ý thức bảo vệ làn da và nếu làn da của trẻ không được quan tâm đúng mức, tránh nắng đầy đủ, cộng với những thay đổi về mặt nội tiết tố, ánh nắng càng là yếu tố cộng hưởng thêm cho nguyên nhân gây ra nám da ở tuổi dậy thì.
2.3. Hệ quả của các tổn thương da và viêm da
Nguyên nhân gây ra nám da ở tuổi dậy thì cũng là do quá trình hồi phục da sau viêm, xảy ra sau chấn thương hoặc viêm da như: Mụn trứng cá – một biểu hiện rõ rệt nhất của tuổi dậy thì trên da, các vết cắt, bỏng, tiếp xúc với hóa chất cũng như các tổn thương da khác.
Vì chưa có nhận thức chăm sóc da đúng đắn, nhất là tránh nắng mặt trời, và thói quen vệ sinh da chưa hoàn thiện, các tổn thương da của trẻ, đặc biệt là mụn trứng cá, sau khi lành là điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các đốm nám da, tàn nhang.
2.3. Do các bệnh lý và uống thuốc
Một số bệnh hệ thống và tác dụng của thuốc được biết là bệnh sinh gây ra chứng tăng sắc tố. Theo đó, tăng sắc tố da cũng là triệu chứng của một số bệnh như tự miễn dịch, bệnh đường tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa và thiếu hụt vitamin.
Một số loại thuốc có thể làm tăng sắc tố da đã xác định là các thuốc hóa trị, thuốc kháng sinh, thuốc chống sốt rét và thuốc chống co giật.
2.4. Do lối sống, chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Trẻ vào tuổi dậy thì thường có nhiều mong muốn khám phá thế giới xung quanh, tăng thời gian cho việc học hành, chơi đùa cùng bạn bè cũng như mở rộng các mối quan hệ xã hội. Chính vì thế, khi không có sự định hướng về thời gian biểu hợp lý từ nhà trường và gia đình, thói quen sinh hoạt kém khoa học, thường xuyên thức khuya và không ngủ đủ giấc sẽ gây ra những căng thẳng bên trong cơ thể, làm tăng tiết hormone chịu stress là cortisol, cũng khiến làn da dễ xuất hiện các vết nám da và tàn nhang hơn.
Mặt khác, do nhu cầu phát triển thể chất trong giai đoạn này, trẻ thường thích tiêu thụ những loại thực phẩm giàu năng lượng như thức ăn nhanh, đồ ăn chiên xào, nước ngọt; ít ăn rau và trái cây, không uống đủ nước trong ngày;… cũng khiến da rơi vào tình trạng viêm mạn tính. Đây vừa là nguyên nhân gây mụn trứng cá, vừa là nguyên nhân bị tàn nhang ở tuổi dậy thì.
Tóm lại, tuổi dậy thì có các nguyên nhân gây ra nám, tàn nhang riêng trong giai đoạn này, xoay quanh sự thay đổi hormone giúp cơ thể trẻ mau chóng đạt được các mốc phát triển vượt bậc. Theo đó, vì nguyên nhân bị tàn nhang do nội tiết là không thay đổi được, nếu tích cực điều chỉnh và phòng tránh các yếu tố còn lại, chứng tăng sắc tố da sẽ dễ dàng được kiểm soát, đem đến một làn da mịn màng, tươi sáng và cũng sạch mụn trứng cá.